Cơ khí chế tạo: Xuất khẩu đạt gần 20 tỷ USD/năm, nhưng mới đáp ứng 30% nội địa
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong khuôn khổ Phiên họp thứ 36 ngày 15-8, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Chu Ngọc Anh đã trả lời các câu hỏi liên quan đến các vấn đề: nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, những vấn đề khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch; ngân sách chi cho hoạt động KH và CN địa phương; khó khăn khi thực thi sở hữu trí tuệ đằng sau các Hiệp định FTA và CPTPP, những giải pháp để Việt Nam áp dụng hiệu quả nội dung về sở hữu trí tuệ.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về những kết quả đạt được, các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, KH và CN muốn đi vào cuộc sống thì chính sách cần đồng bộ. Bức tranh công nghiệp hỗ trợ nhìn chung khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí. Năm 2002, Chính phủ ban hành Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 đã tạo ra một số kết quả trong việc nâng cao năng lực chế tạo nội địa.
Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2012 chúng ta tiếp tục gặp những khó khăn. Cơ khí là nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nên đòi hỏi tập trung đầu tư lâu dài, sự quan tâm của Nhà nước và kèm với đó là quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết doanh nghiệp gắn với công nghiệp chế tạo đều là doanh nghiệp nhà nước. Có thể do nhiều yếu tố nên ảnh hưởng đến kết quả.
Gần đây, Bộ KH và CN phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương theo tinh thần nghị quyết Quốc hội để thúc đẩy hoạt động này. Hiện chúng ta có Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị đã định hướng cụ thể xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung cụ thể cho cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Mới đây, hai Bộ cũng rà lại Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định 319/2018/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ để có thể giải quyết một cách đồng bộ hơn.
Theo Bộ trưởng, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua cũng đã góp phần hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH và CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Mặc dù chưa đáp ứng được hết những yêu cầu đặt ra nhưng có thể thấy, đó là những chuyển động tích cực.